I.Tình Hình Chung.

1. Điều kiện địa lý, tự nhiên.

Pờ Y là một xã biên giới, nằm ở phía Tây huyện Ngọc Hồi và cách trung tâm huyện 19 km về phía Đông Bắc, nằm trên khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Pờ Y; phía Đông giáp xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi; phía Tây giáp bản Huội Kẹo, tỉnh Attapư, CHDCND Lào và xã Từ Veng, huyện Tà Veng, tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia; phía Bắc giáp xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi và Lào; phía Nam giáp xã Sa Loong và xã Đắk Kan huyện Ngọc Hồi. Tổng diện tích tự nhiên toàn xã 9.481,11ha.

Xã Pờ Y có 03 dạng địa hình: Đồi núi, đồi thoải và bằng phẳng. Độ cao địa hình trung bình 700-800m so với mực nước biển. Độ dốc trung bình 100 theo hướng Đông Tây và Tây Bắc. Địa hình đồi núi dốc thoải, bằng rất thuận lợi đối với hoạt động sản xuất cũng như giao thông đi lại cho người dân trong khu vực.

Khu vực xã Pờ Y nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, mang đặc thù của khí hậu núi cao và cao nguyên, nhiệt độ trung bình năm 220C-340C. Tổng lượng mưa trung bình năm đạt 1.800mm đến 2.100 mm và chia thành 02 mùa rõ rệt: Mùa mưa, bắt đầu từ tháng 05 và kết thúc vào tháng 11, chiếm 90% tổng lương mưa cả năm; mùa khô, bắt đầu từ tháng 12 đến tháng 04 năm sau, mưa ít, lượng mưa chỉ chiếm khoảng 10% lượng mưa cả năm. Xã có độ ẩm không khí khá cao, bình quân cả năm là 82%; cao nhất là 91% (tháng 8), thấp nhất là 74% (tháng 3). Hướng gió thịnh hành thay đổi theo mùa theo 2 hướng chính: Mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 xuất hiện gió Đông Bắc, tốc độ gió trung bình từ 3,5 - 5,4 m/s; mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 xuất hiện gió Tây và Tây Nam, tốc độ gió trung bình từ 1,2 - 2,5 m/s.

Về tài nguyên đất, đất tự nhiên tại xã Pờ Y được phân thành 02 nhóm đất chính sau: Nhóm đất đỏ vàng được hình thành trên đá sét và biến chất; nhóm đất nâu vàng được hình thành trên đá macsma bazow và trung tính. Trong tổng diện tích tự nhiên 9.481,11 ha, trong đó: Đất nông nghiệp 8.490,86 ha (đất trồng cây hàng năm 1.988,85 ha; đất trồng cây lâu năm 4.112,83 ha và diện tích đất lâm nghiệp 2.110,56 ha); đất phi nông nghiệp 572,66 ha; đất chưa sử dụng: 417,59 ha.

Tài nguyên rừng, thảm thực vật: Mang đặc trưng của khí hậu nhiệt đới gió mùa, có độ ẩm cao, bức xạ nhiệt đầy đủ là điều kiện thuận lợi để các cây nhiệt đới phát triển thành nhiều kiểu rừng có ưu thế rõ rệt. Tổng diện tích lâm nghiệp là 2110,56 ha trong đó đất rừng sản xuất là 916,41 ha, đất rừng phòng hộ là 163,96 ha, đất rừng đặc dụng là 1030,19 ha. Nhìn chung hệ thực vật rừng ở xã Pờ Y khá phong phú. Tuy nhiên, thảm thực vật rừng bị tàn phá mạnh đã làm mất đi tính tự nhiên của thảm thực vật nhiệt đới nhiều tầng, nhiều loài cây quý bị giảm đáng kể về số lượng lẫn chất lượng.

Tài nguyên nước: Nguồn nước mặt, hệ thống suối hồ có nguồn nước khá dồi dào. Lượng mưa trung bình nhiều năm trên khu vực 1.921mm. Như vậy tổng lượng nước mưa trong năm khoảng 6,67 tỷ m3. Suối Đắk HNiêng chảy từ Tây sang Đông, vào mùa mưa lưu lượng lớn, nước chảy xiết do dòng suối dốc, có nhiều suối nhỏ đổ vào dòng chính gây ngập úng hai bên bờ suối. Hồ HNiêng là hồ thủy lợi có diện tích 416.189 m2, có trữ lượng nước Wi=0,8 tỷ m3. Đây sẽ là tiền đề để tạo ra các hồ chứa nước nhân tạo để trữ nước cho phát triển kinh tế-xã hội. Nguồn nước ngầm: Mực nước ngầm trong khu vực nằm cách mặt đất từ 9-19m, mực nước biến đổi theo mùa dao động giữa mùa mưa và mùa khô khoảng 0,5 đến 1,0m. Nhìn chung nước có chất lượng tốt, độ khoán hóa thay đổi từ 0,026 đến 0,052g/l, thuộc loại nước siêu nhạt. Tuy nhiên, trữ lượng nước nhỏ không đáng kể, vì vậy không đủ để cung cấp nước toàn xã.

Tài nguyên khoáng sản: Nhìn chung không nhiều, chủ yếu là đá granít dùng cho xây dựng, các loại khoáng sản khác với trữ lượng nhỏ nằm rải rác trên địa bàn bao gồm: Cát, sỏi, phục vụ cho xây dựng…Đất sét là nguồn nguyên liệu cho sản xuất gạch tuy nel…

Điều kiện tự nhiên (địa hình, khí hậu, đất đai,...) của xã phù hợp với việc phát triển nông, lâm nghiệp. Xã có tài nguyên đất đai đa dạng, nguồn nước dồi dào, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa và cung cấp nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Nguồn lâm, khoáng sản phong phú góp phần vào sự phát triển chung nền kinh tế của xã.

2. Đặc điểm kinh tế

Với đặc điểm địa lý, tự nhiên như trên, trong tiến trình lịch sử từ xa xưa, nhân dân các làng dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn xã duy trì hoạt động kinh tế truyền thống là kinh tế nông nghiệp với hai ngành chủ đạo: trồng trọt và chăn nuôi. Trong lĩnh vực trồng trọt, người dân làm nương rẫy thường làm ở sườn núi, theo phương thức “phát, đốt, chọc, trỉa”. Nông cụ chủ yếu là các loại rìu, rựa, cuốc, gậy Ruộng nước hình thành trên một số dải đất thấp. Lúa nước được trồng bằng cách gieo hạt hoặc ươm thành mạ rồi cấy. Chăn nuôi gắn với hoạt động săn bắt thú rừng, cá, chim… Nam giới thường tiến hành các cuộc đi săn tập thể và dựng đăng ngang suối để bắt cá, cua,… Nghề dệt vải bằng những khung cửi đơn sơ, có kim và chỉ khâu được làm bằng cây rừng.

Sau ngày đất nước giải phóng, đất sản xuất được quy hoạch ổn định, đồng thời với quá trình thu hẹp diện tích lúa rẫy năng suất thấp là quá trình mở rộng diện tích lúa nước và thâm canh; hình thành những công trình thủy lợi; từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng và vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học theo các chương trình khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật mới trong sản xuất. Phương thức canh tác xưa, lạc hậu được thay bằng phương thức canh tác mới, theo hướng tiến bộ. Đặc biệt với chương trình phát triển cây công nghiệp hàng hoá (cao su, cà phê...) cùng với chương trình, dự án giao khoán bảo vệ rừng là nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ dân trên địa bàn xã. Hoạt động mua bán và trao đổi sản phẩm ngày càng được mở rộng là điều kiện cần thiết để người dân làm quen với kinh tế thị trường. Hoạt động kinh tế được đổi mới, số hộ đói nghèo giảm dần sau mỗi năm. Bên cạnh đó, quá trình di dân kinh tế mới gắn với khai hoang, thuỷ lợi, định canh định cư đã thúc đẩy sự chuyển biến của nền kinh tế trên địa bàn xã theo hướng hiện đại.

Cùng với sự phát triển của khoa học- kỹ thuật, hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi trên địa bàn xã từng bước được đầu tư xây dựng phục vụ phát triển kinh tế- xã hội. Với lợi thế là xã nằm ở vùng ngã 3 biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia, nơi có quốc lộ 40 và đường NT18 đi qua; có cửa khẩu Quốc tế Pờ Y với Lào và 01 cửa khẩu phụ với Campuchia, đây là đầu mối giao lưu kinh tế quan trọng trong khu vực, là điểm nhấn trong chiến lược liên kết nhằm tạo cơ hội hợp tác, phát triển giữa các nước; là điều kiện thuận lợi để xã phát triển nhanh kinh tế, xã hội, nhất là lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ.

Đặc biệt, từ khi cửa khẩu quốc tế Pờ Y và Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Pờ Y được Chính phủ quy hoạch, đầu tư phát triển, đi vào hoạt động, đã tạo ra điều kiện hết sức thuận lợi cho sự phát triển của xã. Theo đó, hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là điện, giao thông tiếp tục được đầu tư nâng cấp nhựa hóa, cứng hóa trục đường xã dài 16 km, trục đường thôn, xóm dài 17,07 km, bê tông hóa đường ngõ xóm 11,24 km; 100% đường sạch, không lầy lội về mùa mưa, 100% thôn, làng có đường ô tô đi cả 2 mùa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao lưu, trao đổi, phát triển kinh tế với các xã trên địa bàn Huyện cũng như các địa phương trong và ngoài tỉnh Kon Tum và với các địa phương của hai nước Lào, Campuchia. Cùng với sự phát triển của cơ sở hạ tầng, hoạt động thương mại, dịch vụ, sản xuất công nghiệp có bước phát triển nhanh, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế của xã.  

Trong những năm qua tình hình phát triển kinh tế của xã đã có những chuyển biến rõ nét. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng "Dịch vụ - Công nghiệp - Nông nghiệp", tăng dần các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng và các ngành dịch vụ. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với thị trường. Với vị thế là vùng trung tâm cửa khẩu quốc tế Pờ Y, các ngành nghề thương mại, dịch vụ ở Pờ Y tương đối phát triển, hình thành 2 cụm dịch vụ ở khu vực Cửa khẩu quốc tế Pờ Y và khu vực trung tâm xã nằm hai bên quốc lộ 40. Cùng với 2 cụm dịch vụ trên, trên địa bàn xã có 203 hộ kinh doanh cá thể (ngành nghề hoạt động chủ yếu là may mặc, mộc dân dụng, tạp hóa, ăn uống.....); có 03 tổ hợp tác và 02 hợp tác xã Thương mại - Dịch vụ; có 86 doanh nghiệp sản xuất tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh thương mại dịch vụ tại khu vực cửa khẩu, tạo việc làm cho hàng trăm lao động, đáp ứng nhu cầu đời sống của nhân dân. Khu chợ nông thôn mới của xã có khuôn viên với diện tích hơn 5.000 m2, là một địa điểm buôn bán tạo thuận lợi cho sinh hoạt của người dân. Hàng hóa mua bán chủ yếu là sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi.

Thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP): Đến nay xã đã có 02 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao cấp tỉnh, đó là: Rượu ghè men lá của người Brâu- Đăk Mế; Hạt Mắc ca. Đang tiếp tục hoàn thiện 04 sản phẩm là Măng chua; Nấm Linh Chi; Cà phê sạch nguyên chất; Lúa thơm chất lượng cao ST24, ST25; Măng khô; Nấm mèo.

Trong thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng bộ và nhân dân Pờ Y đã và đang khai thác, sử dụng một cách có hiệu quả những yếu tố thuận lợi về điều kiện tự nhiên để đẩy mạnh công cuộc phát triển kinh tế xã hội, xây dựng xã đạt xã nông thôn mới nâng cao

II. Quá trình hình thành làng xã và truyền thống văn hóa.

1. Về tên gọi và quá trình hình thành đơn vị hành chính xã Pờ Y.

Pờ Y là tên suối lớn có đầu nguồn ở khu vực cột mốc ba biên giới Việt Nam- Lào- Campuchia chảy về Campuchia gồm nhiều suối nhỏ nhập vào như suối Tà Ka, suối Đăk Răng, suối L’mar, suối Đăk Ploc.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp địa bàn xã Pờ Y thuộc huyện Đăk Tô. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, địa bàn xã Pờ Y thuộc Khu 7 (những năm 1954-1960) và thuộc huyện H67 (những năm 1960-1975).

Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, ngày 29-10-1975, Uỷ ban nhân dân cách mạng Khu trung Trung bộ ra Quyết định sáp nhập 2 tỉnh Kon Tum và Gia Lai thành tỉnh Gia Lai-Kon Tum. Thi hành Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai - Kon Tum (họp ngày 18-01-1976) về việc sáp nhập huyện, ngày 25-01-1976, Tỉnh ủy Gia Lai-Kon Tum ra quyết định sáp nhập H67 và H80 thành một huyện lấy tên là huyện Đăk Tô. Huyện lỵ đặt tại thị trấn Tân Cảnh. Xã Pờ Y  thuộc huyện Đăk Tô.

Trước yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, để đáp ứng tình hình thực tế địa phương, nhằm thuận lợi cho quá trình lãnh đạo, quản lý, ngày 10-10-1978, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 254-CP chia huyện Đăk Tô thành 2 huyện, lấy tên là huyện Sa Thầy và Đăk Tô. Theo đó, huyện Sa Thầy được thành lập lại bao gồm toàn bộ đất đai của H67 (cũ), với 5 xã: Rờ Kơi, Mô Rai, Pờ Y, Đăk Xú, Ya Ly (chuyển từ thị xã Kon Tum về huyện Sa Thầy). Xã Pờ Y thuộc huyện Sa Thầy.

Ngày 15-10-1991, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định số 316-HĐBT về thành lập huyện Ngọc Hồi thuộc tỉnh Kon Tum gồm các xã: Đăk Xú, Pờ Y, Sa Loong của huyện Sa Thầy; xã Đăk Ang của huyện Đăk Tô; xã Dục Nông của huyện Đăk Glei. Từ đây xã Pờ Y thuộc huyện Ngọc Hồi.

2. Quá trình hình thành các thôn làng và truyền thống yêu nước, cách mạng của nhân dân

Trên địa bàn xã ngày nay gồm có 8 thôn, bao gồm: Iệk, Đắk Răng, Tà Ka, Măng Tôn, Kon Khôn, Đắk Mế, Bắc Phong, Ngọc Hải. Trong quá trình di chuyển lập làng của các làng trong xã đều lập làng, sinh sống dọc suối Pờ Y.

Ngoài 02 thôn Bắc Phong và Ngọc Hải thành lập cách đây chưa lâu trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương, 06 thôn còn lại đều có một quá trình dựng lập làng lâu đời. Lịch sử hình thành và phát triển của cộng đồng các làng trong xã đã thể hiện truyền thống lịch sử, văn hoá của vùng đất Pờ Y một cách rõ nét và rất đặc sắc phong phú.

3. Vài nét về truyền thống văn hoá của nhân dân xã Pờ Y

Trên địa bàn xã Pờ Y hiện nay gồm có 17 thành phần dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 65,1%. Dân cư sinh sống tập trung chủ yếu dọc tuyến quốc lộ 40 từ đầu xã đến cửa khẩu quốc tế Pờ Y có 2.583 hộ/8.674 khẩu, trong đó dân tộc thiểu số Xơ Đăng (nhánh Cadong) có 591 hộ/2.445 khẩu; dân tộc thiểu số rất ít người Brâu có 173 hộ/588 khẩu[1]; Dân tộc Kinh và các dân tộc khác.

III. Hệ Thống Chính Trị Xã Pờ Y.

1. Đảng Bộ Xã Pờ Y.

Đảng bộ xã Pờ Y có 15 chi bộ trực thuộc với 206 đảng viên, trong đó có 08 chi bộ thôn (04/08 Bí thư Chi bộ kiêm Thôn trưởng; 07/08 Thôn trưởng là đảng viên), 07 chi bộ cơ quan. Ban Chấp hành Đảng bộ xã gồm 15 đồng chí, trong đó: Nữ 06 đồng chí; DTTS 07 đồng chí. Trình độ học vấn: THPT 15 đồng chí. Trình độ chuyên môn: Đại học trở lên 13 đồng chí; Cao đẳng 02 đồng chí. Lý luận chính trị: Cao cấp 02 đồng chí; Trung cấp 13 đồng chí.

Tổng số đảng viên đến ngày 15/5/2023 của Đảng bộ xã có 206 đảng viên, trong đó có 23 đảng viên được miễn sinh hoạt (trong đó: 17 đồng chí MSH do tuổi cao, 6 đồng chí tạm MSH do đi làm ăn xa), không có trường hợp đi làm ăn xã quá 12 tháng mà vẫn được miễn sinh hoạt; không có trường hợp chuyển nơi cư trú, nơi công tác quá 60 ngày mà vẫn chưa làm thủ tục chuyển đảng.

Có 18 đảng viên là cán bộ, công chức xã được giới thiệu sinh hoạt ở chi bộ thôn; qua nắm bắt các đồng chí đảng viên tham gia các cuộc họp thường xuyên.

 Đảng bộ xã Pờ Y có 89 đảng viên giữ mối liên hệ với chi uỷ, chi bộ nơi cư trú theo quy định 213-QĐ/TW, ngày 02/01/2020 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và nhân dân nơi cư trú.

2. UBND Xã Pờ Y.

          UBND xã đã trải qua 07 khóa hoạt động. Hiện nay UBND xã Pờ Y có 05 Thành  viên ủy ban, trong đó có 01 chủ tịch, 02 phó chủ tịch, 01 ủy viên Trưởng công an xã, 01 ủy viên Xã đội trưởng. Trình độ chuyên môn: đại học 04 đồng chí, cao đẳng 01 đồng chí. Trình độ chính trị cao cấp 01, trung cấp 05. Cả 05 đồng chí đều là Đảng ủy viên.

          Tổng số cán bộ, công chức hiện có là 20 đồng chí . UBND xã Pờ Y cũng đã nghiêm túc thực hiện Quyết định áp dụng cơ chế “ Một cửa” trong giải quyết thủ tục hành chính tại UBND cấp xã. Thành lập “ Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông” do phó chủ tịch UBND xã làm trưởng bộ phận và bộ phận văn phòng, công chức Tư pháp, Địa chính, Thương binh xã hội, Công an, xã đội. Bộ phận này bố trí tại địa điểm thuận lợi cho việc giao dịch với nhân dân, có đủ phương tiện làm việc cho công chức và chỗ ngồi cho công dân, trang trí theo công thức của cơ quan công quyền.

3.UBMTTQVN Xã Pờ Y.

UBMTTQVN Xã Pờ Y đã trải qua 06 khóa, hoạt động có hiệu quả. Hiện nay UBMTTQVN xã có 39 ủy viên, đồng chí chủ tịch là Ủy viên ban chấp hành đảng ủy xã. Các ủy viên mặt trận còn gồm có chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ, chủ tịch Hội cựu chiến binh, Bí thư đoàn thanh niên, Chủ tịch Hội người cao tuổi, chủ tịch Hội chữ thập đỏ, Hội nông dân. UBMTTQVN xã thực sự tiêu biểu cho khối đại đoàn kết toàn dân, là tổ chức tập hợp các đoàn thể chính trị, tổ chức chính trị trong xã.